Người nối nghiệp chân chính - Chương 32

NGƯỜI NỐI NGHIỆP CHÂN CHÍNH
Tác giả: Hà Phong Xuy
Người dịch: Trần Thị Minh Đức & Trần Thu Trang

Chương 32: Show diễn lớn của mụ ghê gớm

Thôi Minh Trí và Tôn Khải Minh đồng loạt bị đập lìa hồn. Trên đời có ngàn vạn kẻ cực phẩm, đỉnh của chóp đang ở ngay trước mắt.

Giang Quế Phân túm chặt Thôi Minh Trí rồi lần tay lật thắt lưng của hắn, hắn la hoảng vùng vẫy, như đang vật lộn với con tê giác, gắng sức đến mức mặt mũi đỏ gay vẫn không thoát khỏi con mụ ghê gớm này.

Tôn Khải Minh vội ra tay giải cứu, quát to vặn ngón tay mụ ta ra.

Giang Quế Phân thêm được người nào hay người đấy, tiện tay túm lấy cạp quần anh ta, lời thoại trong mồm cũng nâng cấp:

“Bắt bọn hấp diêm tập thể! Bắt bọn hấp diêm tập thể!”

Có người đi cùng chia sẻ hỏa lực, Thôi Minh Trí tạm thời tránh khỏi móng quỷ, thấy Hồ Phong đang giơ điện thoại chụp ảnh, chắc là đang tạo bằng chứng vu cáo họ. Vẻ mặt y hớn hở chăm chú, không hề thấy thẹn vì trò hề của mẹ chút nào.

Lòng người giống như hai mặt của tiền xu, chuyển sang mặt kia đúng là không bằng chó lợn.

Trong mắt hắn hiện lên một tia chớp, chật vật cứu Tôn Khải Minh, tức giận mắng: “Bà già vô liêm sỉ, tổ tiên nhà bà cũng không nhận ra bà nữa!”

Không ngờ Giang Quế Phân còn có một đòn giết chóc xảo quyệt hơn. Nhanh như bay, mụ nhổ một sợi lông mu, lừa lúc hắn đang banh họng ra chửi thì ấn luôn vào mồm hắn.

Thôi Minh Trí ba máu sáu cơn, chỉ số bạo lực tích tụ suốt hơn hai mươi năm bung ra bằng sạch. Hắn đẩy mụ ta xuống, định đạp.

Tôn Khải Minh vội ôm lấy hắn liều mạng kéo ngược lại, hoảng hốt gào lên can: “Trợ lý Thôi, anh mà đánh là chúng ta đuối lý ngay, cứ đi khỏi đây trước đã!”

Hồ Phong nghe vậy xoay người chặn cửa, gào toáng: “Chúng mày làm nhục mẹ tao còn định đánh người, tao chụp được hết ảnh rồi, lên đồn công an với tao làm cho ra nhẽ!”

Y giơ điện thoại lên cao, trong album ảnh có mấy “bằng chứng” đã được lựa chọn kỹ, kết hợp với ăn vạ, hẳn có thể làm phía bên kia có nhảy xuống Hoàng Hà cũng không rửa sạch (nỗi oan).

Khuôn mặt đỏ bừng của Tôn Khải Minh nhanh chóng tái dại, anh ta mới đi làm, không đủ kinh nghiệm. Nhưng gặp loại ác ôn không ra ngoài đời này, đến người dày dạn lâu năm cũng rơi vào thế quẫn thôi.

Thôi Minh Trí không thường giao tiếp với lưu manh, không già đời hơn gì anh ta. Cũng may, trước khi tới đây Soái Ninh có nhắc sẵn, bảo hắn khi đàm phán cùng hộ ngoan cố thì phải đeo camera mini giấu kín để đề phòng rủi ro.

Giờ đây tình hình đã đúng như cô đoán, lửa giận của Thôi Minh Trí cũng có lớp giáp bảo vệ. Giữa sóng gió ngập trời hắn vẫn hừng hực khí thế, chỉ vào mặt Hồ Phong quát mắng: “Được! Giờ lên đồn luôn! Không làm cho ra nhẽ tôi không để yên cho các người!”

Camera hắn giấu trong vạt áo ghi hết hình ảnh âm thanh trong nhà họ Hồ, mưu ma của mẹ con Hồ Phong tự sụp đổ.

Nghe nói Thôi Minh Trí muốn kiện họ tội vu khống, hai người giở trò vô lại.

Giang Quế Phân lăn lộn ngay giữa văn phòng của đồn công an, vừa gào khóc vừa cởi hết quần áo, còn định cứ thế trần truồng lao ra ngoài cổng, mồm mép lu loa: “Cảnh sát đánh dân này! Cảnh sát đánh dân này!”

Ông Lữ trưởng công an vội đóng cổng, nhoài người ghì lấy cái chốt, tiện thể lảng tránh hình ảnh lõa lồ.

Giang Quế Phân xông lên đấm đá lôi kéo, hận không thể phá tan bộ xương già của ông. Hai viên cảnh sát trực ban khác chạy tới chi viện, học theo lãnh đạo quay lưng về phía Giang Quế Phân, dựng lên trước cổng một lớp lá chắn sống.

Giang Quế Phân không mở được cổng, thân hình trần truồng đen trùi trũi chạy loạn khắp sân, giống con lợn Tết chạy rông.

Đám đàn ông không tiện lại gần, đồng loạt quay sang quát mắng Hồ Phong: “Mày cứ giương mắt nhìn mẹ mày xấu mặt thế à? Không bảo bà ấy mặc quần áo vào mau lên!”

Hồ Phong lương tâm móm sạch, còn lu loa theo: “Mẹ tao bị chúng mày ép phát điên rồi, lũ tham quan ô lại chúng mày cấu kết với gian thương bắt nạt người dân thấp cổ bé họng, tao muốn đem chúng mày ra ánh sáng!”

Y nhào tới chiếc điện thoại di động trên bàn làm việc, muốn lên mạng đăng tin giả.

Thôi Minh Trí và Tôn Khải Minh hợp sức đè y lại. Nếu không coi hiện nay là thời đại pháp trị, thật muốn đánh chết tên lưu manh này tại chỗ.

“Chỗ này đâu đâu cũng có camera ghi hình hết, mày bôi nhọ nữa cũng không ăn thua đâu!”

Nói thế thôi, nếu để anh ta đăng bài thật thì cũng là tai vạ. Trên mạng hỗn tạp dễ đục nước béo cò. Kẻ bịa đặt chỉ mấp máy mồm, người đi bác bỏ tin bịa đặt phải chạy rạc cẳng. Vấn đề tham nhũng biến chất vốn dễ kích động cảm xúc dân mạng nhất, lại thêm những kẻ hằn học với người giàu nữa thì Quan Vũ và chính quyền xã Liên Hoa no đòn.

Trưởng đồn Lữ sai người gọi điện ra phố kêu mấy bà mấy chị đáng tin vào, hợp sức bắt lấy Giang Quế Phân, còng tay mụ vào tay Hồ Phong. Ông phủi bộ cảnh phục ướt đẫm, hổn hển răn dạy hai người họ: “Các người đầu tiên là bị nghi ngờ có liên quan đến vụ vu khống người khác, giờ còn làm ảnh hưởng công vụ, gây rối trật tự cơ quan. Tội vu cáo có thành án hay không thì còn chờ tòa phán, nhưng tội kia thì nhất thiết phải giam 5-10 ngày.”

Giang Quế Phân nghe xong lại kích động phát điên lần nữa, liên tiếp đá vỡ mấy cái ghế nhựa.

Mọi người định ngăn mụ ta, trưởng đồn Lữ ngăn mọi người, cao giọng cảnh cáo: “Có giỏi bà cứ đá tiếp, rồi cho thêm cái tội phá hoại tài sản, cho bà ở lại thêm mấy hôm!”

Hồ Phong thấy họ đã liên hệ với trại tạm giam huyện, biết phen này tự chuốc lấy họa, vội khuyên mẹ dừng tay, vài phút sau hai mẹ con bị giải ra xe cảnh sát, đưa lên phố huyện.

Chờ đợi họ sẽ là sự trừng trị đích đáng, nhưng việc nào ra việc đó, nhà họ Hồ không nhả ra, vấn đề giải phóng mặt bằng vẫn bế tắc. Hồ Phong và Giang Quế Phân bị câu lưu (giam ngắn ngày), cụ Hồ càng bơ vơ, chỉ có thể nhờ chính quyền xã chăm sóc tạm thời.

Thôi Minh Trí dính vào vụ náo loạn đến nỗi mặt mũi xám xịt, chẳng hả hê được mảy may, nửa ngày còn lại tiếp tục đi gặp mấy hộ ngoan cố.

Những người này không cực đoan như nhà họ Hồ nhưng cũng là dạng yếu còn thích ra gió, mạnh miệng vô cùng.

Có một hộ dựng tạm mấy căn lán tranh xiêu vẹo, đòi tính vào diện tích ở, còn có một nhà khác, ông chủ hộ tính toán đâu ra đấy với Thôi Minh Trí.

“Nhà tôi một năm có thể trồng được 800 cân lúa, các anh không động vào, một hai trăm năm sau đất vẫn là của nhà tôi, đời đời con cháu đều thu hoạch được lương thực, anh tính xem như thế thì phải đổi bao tiền? Nếu để các anh lấy, đời sau nhà tôi không có đất trồng trọt, đồng ý cho các anh đền bù hai triệu là tính rẻ rồi.”

Thôi Minh Trí thử gỡ bỏ cái logic gà đẻ ra trứng trứng nở ra gà vớ vẩn này, bình tĩnh phân tích: “Thôn này trông vào trồng trọt thu nhập hằng năm cao nhất cũng chỉ được 4000 bạc, mười năm 40 ngàn, trăm năm 400 ngàn. Bây giờ chúng tôi không chỉ đền bù cho bác nhà tầng mới, còn trả trước cho bác thu nhập 100 năm. Bác đi nơi khác hỏi thăm xem, đền bù GPMB ở nông thôn rất ít có tiêu chuẩn cao như vậy.”

Lý lẽ đầy đủ thái độ chân thành, tiếc rằng bên kia điếc có chọn lọc, tin tưởng vững chắc rằng phòng ốc rách nát nhà mình là của báu, chuyện thành bại trong đời ở cả trong việc này, thề muốn đem nghị lực như bảo vệ non sông ra gìn giữ.

Mặt khác, lần trước thôn Liên Diệp có người tham gia vụ hôi của từ chuyến xe Quan Vũ chở hàng đi cứu trợ dân nghèo, người trong hai nhà chứa chấp tang vật đã bị khởi tố, có chủ hộ đến nay vẫn còn đang ngồi tù. Có ba hộ ngoan cố vừa hay là họ hàng gần của mấy kẻ phạm tội kia nên họ coi Quan Vũ như kẻ thù lớn, thề muốn đấu tranh với công ty đến cùng.

Thôi Minh Trí liên tiếp vấp phải trở ngại, trán bị các hộ ngoan cố kia xỉa thành tổ ong, bàn bạc trao đổi với đám cán bộ xã đến 1h sáng mới kiệt sức về lại Thước Châu.

Mây dông cuộn trào, đảo lộn sáng tối, kính chắn gió của chiếc xe như một vòi sen vô hình, được phủ một lớp màng nước dày khiến hai cần gạt nước làm việc mệt nghỉ.

Người lái xe vất vả tìm hướng di chuyển trong tầm nhìn mờ mịt, và không thể không khuyên can những người ngồi phía sau.

“Ninh tổng, mưa to quá, hay là chúng ta dừng xe chờ mưa ngớt chút hãy đi tiếp ạ.”

Đường vào núi đã được cải tạo hoàn toàn, mặt đường trải nhựa rộng rãi bằng phẳng, nhưng đằng trước có nhiều khúc cua, lái xe trong mưa rất nguy hiểm.

Soái Ninh trầm tĩnh như vực thẳm, từ lúc rời khách sạn, cô vẫn luôn giữ vẻ lạnh lùng tàn khốc đáng sợ này, không chịu ăn sáng, giục bọn họ chạy gấp lên xã Liên Hoa.

Tài xế đợi mãi không thấy cô trả lời, rón rén nhìn sang vệ sĩ Trần Kiệt đang ngồi cạnh ghế lái. Từ sau sự việc mạo hiểm bị xe cóc đuổi theo hôm trước, Soái Quan Vũ yêu cầu Soái Ninh hết sức tránh đi xã Liên Hoa. Nếu bắt buộc lộ mặt thì phải đem theo ít nhất ba vệ sĩ.

Lúc này có hai tay vệ sĩ khác ngồi kèm hai bên Soái Ninh giống như hai con mãnh thú trấn giữ.

Trần Kiệt cũng không muốn mạo hiểm lên đường, quay lại xin ý kiến: “Ninh tổng, nếu không thì cứ dừng xe trú mưa trước đi, có lẽ cũng không muộn mấy đâu ạ.”

Trên mặt Soái Ninh gợn lên một làn sóng ác, giọng còn lạnh hơn mưa.

“Sợ phiền phức thì xuống xe, để tự tôi lái.”

Uy thế át hết những lời bàn lùi, ô tô giống như con nhện nước lao qua vùng mưa, mây đen ngộn lên trong lòng mỗi người.

Lát sau, điện thoại của Trần Kiệt đổ chuông, là Thôi Minh Trí gọi.

“Trần ca, mọi người đi đến đâu rồi?”

Tiếng tay trợ lý còm thì thào như gián điệp liên lạc bí mật, sợ kinh động Soái Ninh. Lúc sáng, mới nghe hắn báo cáo xong, Soái Ninh sa sầm mặt gạt hết đồ trang trí trên bàn xuống đất, lập tức quyết định đích thân đi xem xét, nói với hắn: “Anh vừa về thì không cần đi theo, ở lại phòng mà ngủ bù đi.”

Chẳng mấy khi được cô quan tâm, Thôi Minh Trí lại ngủ sao được! Họ vừa đi không lâu đã gọi điện dặn dò Trần Kiệt cẩn thận bảo vệ sếp, đây đã là lần gọi thứ hai.

“Trần ca, anh cố khuyên Ninh tổng, bảo cô ấy thế nào cũng đừng đi gặp những hộ ngoan cố đấy. Đám đó toàn là lưu manh vô lại, đi mặc cả với họ thì hạ giá lắm.”

Hình tượng “nữ hoàng bóc phốt” của Soái Ninh đã đi sâu vào lòng người, Trần Kiệt cũng lo không chắn được, chức trách của anh ta cùng đàn em là bảo vệ an toàn thân thể cho chủ, giằng co chửi bới có nằm trong phạm vi công việc đâu.

Đúng lúc này, Soái Ninh bỗng thò tay rút điện thoại ra khỏi tay Trần Kiệt, trả lời thay anh ta: “Trợ lý Thôi, anh không ngủ được à? Nếu thế thì qua siêu thị nào gần đấy mua mấy món dễ ăn cho người già và thuốc chống muỗi giải nhiệt, dựa theo số các cụ đang tụ tập mà mua, rồi đưa mau về xã Liên Hoa.”

Đầu óc phát sốt không nghĩ ra cái nước cờ vỗ về này, Thôi Minh Trí chợt thấy yên tâm, cam đoan sẽ đi theo ngay.

11h, xe đi đến ủy ban xã Liên Hoa, màn mưa làm tan sương núi, dãy núi trùng trùng tựa như bức tranh màu nước chưa khô, tản ra tình cảm mềm mại động lòng người.

Cổng trụ sở ủy ban mọc thêm mấy chiếc lều bạt quân dụng màu xanh lá. Sáng nay trời mưa to, chủ tịch xã dẫn người đưa những cụ già đang “nằm vạ” vào trong phòng, với một số người sống chết không nghe thì đành phải dọn ra lều bạt cứu hộ cho họ trú.

Mưa gần ngớt hẳn, các cụ già ra khỏi lều, ngồi trên chiếc ghế gấp con con buôn chuyện. Soái Ninh ngồi trong xe quan sát từ xa, cảm thấy mỗi người họ giống Khương Thái Công ngồi câu cá, yên lòng vững chí.

Trong trận đấu vì quyền lợi này, họ tưởng như đụng vào là rụng, thật ra lại nắm phần thắng tuyệt đối. Xã hội hiện nay cá lớn nuốt cá bé, mọi người quen thói dựa vào kẻ mạnh nhưng lại ưa dùng thứ vũ khí sắc bén tiện cả công lẫn thủ là đạo đức. Khi kẻ mạnh và kẻ yếu nảy sinh mâu thuẫn, bên yếu hơn tất nhiên sẽ được dư luận ủng hộ hơn, đội hóng cũng sẽ dựa vào đó phán xét đúng sai luôn, chẳng phân biệt xanh đỏ đen trắng gì.

Người chết vì tiền chim chết vì mồi, Soái Ninh không phải lũ tiêu chuẩn kép, có thể lý giải suy nghĩ muốn chớp cơ hội làm giàu của những hộ ngoan cố. Làm đối thủ, nếu bị họ ép lên sàn đấu, thật sự sẽ rơi vào đại dương “chiến tranh nhân dân” rộng lớn. Bởi vậy, kể cả có bị khiêu khích nhiều hơn nữa, cô cũng không đối đầu trực diện với họ trong vấn đề giải phóng mặt bằng.

Đang suy tính, “bộp” một tiếng, trên kính chắn gió nở ra một bông hoa bằng bùn to tướng, tác giả là một đám trẻ con cách đấy mấy mét. Vừa nãy cô còn thấy hai đứa trong số đó chui ra chui vào chỗ lều bạt, hẳn là con cháu mấy hộ ngoan cố.

Đám quỷ nhỏ ngỗ nghịch đó thành công chọc giận Soái Ninh, cô giận đùng đùng mở cửa xuống xe lại gần.

Mấy cục bùn tạo thành trận địa chào mừng, ba tay vệ sĩ đi theo cô xoay người ngăn chặn, cũng tiến lên quát mắng xua đuổi.

Lũ trẻ ngang nhiên, ra sức hò nhau tấn công, một thằng bé dẫn đầu gào lên: “Chính là chúng nó muốn chiếm nhà với đất của mình đấy, đánh boconme chúng nó đi!”

Sau vài cú, nhóm vệ sĩ biến thành tượng đất cả.

Soái Ninh nhìn kỹ đám thổ phỉ con này, đứa lớn nhất cũng không quá tám, chín tuổi. Bé thế làm gì đã hiểu yêu hận tình thù, chắc chắn là người lớn mớm cho.

Cô gạt huỵch Trần Kiệt ra lao lên phía trước, bị một nắm bùn ném vào giữa ngực, chiếc áo màu trắng ngà bỗng chốc tiêu tùng.

Cô không vội lau vết bùn trên cằm, xông tới tóm lấy thằng nhóc gây chuyện, nhấc nó lên kẹp vào nách, sai Trần Kiệt đi gọi công an, sau đó bế thằng nhóc vào thẳng ủy ban xã.

Thằng nhóc giống con dê con bị diều hâu cắp, be ầm lên tránh né, sợ hãi gào khóc: “Bà ơi! Bà ơi!” (Nguyên văn là 奶奶, bà nội)

Bà nội nó ngồi ngay bên ngoài lều, vừa rồi thằng cháu tụ tập nghịch phá, bà ta cùng bạn bè đi cùng còn hóng xem cho vui, lúc này cuống quýt tới cứu, quát bảo Soái Ninh thả nó ra.

Soái Ninh nói gay gắt: “Bà là người lớn trong nhà nó? Vừa hay, đi với tôi vào trong kia phân xử!”

Vừa nói cô vừa đưa cái tay còn rảnh ra tóm lấy bà già, không phân bua gì, lôi luôn hai bà cháu vào văn phòng chủ tịch xã.

Mươi phút sau, đồn trưởng Lữ đến, trước tiên đứng ở cửa, hỏi bí thư xã Ngưu Bảo Hà để nắm tình hình.

“Vừa rồi thằng cháu Lý Phượng Hoa cùng một đám ranh con ném bùn đất vào xe vào người của bên Quan Vũ, Ninh tổng vừa bị nó ném trúng, quần áo bẩn hết, đang gọi người lớn trong nhà ra bắt đền kìa.”

Người thường vì bộ quần áo đi báo công an thật vớ vẩn, nhưng Soái Ninh thì khác, đồn trưởng Lữ quặn lòng thay cho nhà họ Lý, hỏi Ngưu Bảo Hà: “Quần áo của Ninh tổng trị giá bao tiền?”

Ngưu Bảo Hà cau mặt thõng tay: “Nói là hàng đặt riêng ở Ve cái gì Chê[1] ấy, một bộ 170 ngàn, chất vải đó không thể giặt ướt, giặt khô cũng không làm sạch được, coi như hỏng luôn.”

“Có hóa đơn không?”

“Đã cho người ở Thượng Hải gửi lại đây rồi.”

“Nhân chứng thì sao?”

“Camera trên xe người ta ghi lại cả.”

Đồn trưởng Lữ cắn lưỡi: “Thằng con của Lý Phượng Hoa cờ bạc đi hết của nả trong nhà, giờ bán cả nhà già trẻ cũng không đền được.”

Ngưu Bảo Hà hai tay vỗ đùi: “Chứ còn gì nữa, chỉ tại họ không dạy được trẻ con, gây ra cái họa lớn thế này. Ông phải giúp hòa giải nhé.”

Đồn trưởng Lữ hiểu rằng bí thư Ngưu đã hòa giải không thành, giờ gánh nặng đè lên người ông, vết thương vì bị Giang Quế Phân ẩu đả hôm qua còn nhâm nhẩm đau, giờ chưa qua nửa ngày lại ngoằng thêm phiền phức. Trong xã chẳng có án gì lớn nghiêm trọng, nhưng ba cái vụ vặt vãnh lông gà vỏ tỏi này cũng đến toi cái mạng già.

Cái gọi là quy trình hòa giải là mắng mỏ bên sai, lại xoa dịu bên bị hại, lấy tư thế công chính giúp đỡ một bên, tranh thủ việc lớn hóa nhỏ, việc nhỏ hóa không.

Soái Ninh không để ý tới bài bản của ông ta, ngang tàng cự tuyệt, nói: “Đồn trưởng Lữ, tôi có quyền bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, ông cũng có nghĩa vụ thi hành pháp luật một cách vô tư. Nếu không có năng lực bồi thường, làm hỏng tài sản của người xong là có thể phủi tay, vậy thì kẻ nghèo có thể đi đập phá thoải mái, dù sao không có tiền đền, cảnh sát cũng chẳng làm gì bọn họ mà.”

Đồn trưởng Lữ cười khổ, Lý Phượng Hoa lập tức đứng phắt dậy, chỉ vào cô chửi rủa: “Cùng lắm thì mày giết bà già này chứ gì, vì bộ quần áo mày bức tử người ta, cái con nhiều tiền lòng dạ đen tối, ông trời sao không dọn mày đi!”

Soái Ninh liếc mắt nhìn Trần Kiệt đang cầm điện thoại ghi hình, nói lạnh tanh: “Quay cẩn thận hết, rồi đây có chuyện gì nữa thì lấy video ra đối chất với họ.”

Ngưu Bảo Hà vội quát Lý Phượng Hoa dừng lại: “Bà bớt bớt tí đi, việc này rõ ràng là cháu bà gây họa, kể cả làm um lên đến huyện bà cũng không chiếm lý đâu.”

Con dâu Lý Phượng Hoa là Điền Tố Lan cũng tới, nãy giờ vẫn sượng sùng im lặng, thấy mẹ chồng làm ầm ĩ đến chẳng ra thể thống gì, lấy hết can đảm xin Soái Ninh tha thứ.

“Ninh tổng, việc này đúng là vì cháu nhà em nghịch ngợm, nhưng nhà chúng em thật sự không đền được đồ của bác, xin bác giơ cao đánh khẽ, tha cho chúng em ạ.”

Soái Ninh chỉ định dọa hộ dân điêu ngoa này tí, trông chị ta còn có vẻ biết liêm sỉ, mỉa mai nói: “Lời này sai rồi. Con chị ném bùn vào người khác, chúng tôi mới là người bị hại, giơ cao đánh khẽ cái gì, làm như chúng tôi khi dễ nhà các chị không bằng.”

Điền Tố Lan vội sửa lời, nhận sai: “Vâng vâng, là chúng em sai hết, bác muốn đánh muốn chửi sao cũng được, nhưng chuyện đền tiền này có thể châm chước tí không ạ?”

Đồn trưởng Lữ và bí thư Ngưu cũng đến nói giúp, lời nịnh hót lót đầy một sọt.

Soái Ninh chờ thể diện được ve vuốt đủ, chậm rãi đổi dáng ngồi, vờ vịt thở dài: “Hai ông suy nghĩ vì dân như vậy, tôi cũng nên thấu hiểu nỗi khổ tâm của các ông, thôi thì cứ bảo bà già với thằng nhãi kia xin lỗi tôi trước đã.”

Ông Lữ ông Ngưu mừng rỡ, vội giục nhà họ Lý nhận lỗi.

Lý Phượng Hoa õng ẹo không chịu, nhưng bị hai người họ mắng mỏ dọa dẫm, đành phải thành thật mà nói xin lỗi.

Soái Ninh cũng không bắt bẻ thái độ của bà ta, quay sang nói với Điền Tố Lan: “Giáo dục hiện đại không ủng hộ hình thức xử phạt về thể xác, nhưng trẻ con phạm lỗi vẫn cần phải dạy thì về sau nó mới nhớ. Cô làm mẹ hẳn là hiểu chứ hả?”

Điền Tố Lan liến thoắng đáp ứng, túm cổ áo thằng con đét cho vài phát, suýt nữa bị cục nợ này mang vạ, chị thật muốn đánh nát mông nó.

Thằng nhóc khóc tu tu, trán còn bị móng tay mẹ chọc thành mấy đốm đỏ.

Soái Ninh bằng lòng vừa ý, đứng dậy đi đến trước mặt nó, ngồi xổm xuống đối mặt với nó nói chuyện.

“Chờ mày lớn lên sẽ biết hôm nay gặp cô tính là số mày may lắm nha con, sau này không có bản lĩnh thì đừng gây chuyện thị phi. Còn nữa, Quan Vũ nhà cô đến đây là giúp cho xã Liên Hoa phát triển kinh tế. Phá nhà cũ của chúng mày đi lại trả cho chúng mày nhà lầu mới, là người lớn nhà mày tham quá, rắp tâm muốn bóp nặn bọn cô. Thị phi đúng sai mày phải nhớ cho rõ vào.”

Dứt lời, cô duỗi tay chí chí vào chóp mũi nó, thần thái đắc thắng thật giống đại ca của lũ trẻ con.

Thằng nhóc chớp mắt ngơ ngác, quay đầu nhìn bà nội và mẹ đang đỏ mặt tía tai, lập trường quan điểm có tí lung lay.

Soái Ninh chào bí thư Ngưu và đồn trưởng Lữ ra về, hai ông quan xã cùng nhau ra tiễn vị thần tài này.

Trời đã tạnh ráo, ánh mặt trời chói chang hong khô cô đặc màu sắc của cảnh vật, từ tranh màu nước sắc nhạt tươi mát biến thành tranh sơn dầu rờ rợ. Không khí mát đã bị nắng gắt xua tan hết, trong không khí lởn vởn mùi khét khô, bụi đất lại bay mù mịt.

“Ninh tổng, có người tới.”

Theo tiếng gầm nhẹ của Trần Kiệt, tầm mắt mọi người dõi ra cách đấy mấy chục mét, chỉ thấy một đám đông dân làng đang cuốn bụi mà đến, nhìn sơ sơ phải 40-50 người, không ít người trong tay còn cầm theo đồ linh tinh trong nhà, đi đầu chính là con trai Lý Phượng Hoa, Lý Gia Dũng.

Tên này là một tay côn đồ cờ bạc cộm cán của thôn Liên Diệp. Vừa nãy khi cán bộ xã đến nhà họ Lý tìm người lớn, y ra khỏi nhà cùng vợ nhưng lại đi ngược đường để gọi hội, tuyên bố muốn chơi lớn với người của Quan Vũ một phen.

Nhà quê chuộng “người đông, lực lượng lớn”, dân địa phương tụ tập ẩu đả vì tranh chấp đất đai nước nôi là chuyện thường gặp, bí thư Ngưu và đồn trưởng Lữ đều tởn, vội vàng kéo Soái Ninh lùi vào, cuống cuồng đóng cổng lại.

Người dịch: Trần Thị Minh Đức & Trần Thu Trang (FB/VerandadeJulia)

------
Chú thích:

1. Nguyên văn là 范什么哲, bọn mình đoán là lấy từ phiên âm tiếng Trung của Versace (ve-sa-chê, nhấn chữ “sa”) là 范思哲, nói chung không chỉ ông bí thư xã không đọc được đúng tên của nhà mốt.

Comments

Popular Posts